Sông Cổ Cò, có tên cổ là Lộ Cảnh Giang, chạy song song bờ biển, nối sông Hàn từ Đà Nẵng và sông Thu Bồn ở Hội An, Quảng Nam. Trong chiều dài 25km (qua địa phận Quảng Nam hơn 19km) con sông vốn kết nối giao thương giữa 2 cảng thị lớn là Hội An và Đà Nẵng trong nhiều thế kỷ từ XVI-VVIII. Tuy nhiên, dòng sông này đã bị tự nhiên bồi lấp từ thời Đồng Khánh, khoảng thế kỷ XVIII.
Khơi thông sông Cổ Cò để phát triển kinh tế, xã hội, tạo cảnh quan môi trường là dự kiến đã từ đặt ra từ năm 1994 - khi Quảng Nam - Đà Nẵng chưa chia tách tỉnh. Sau đó được nhắc lại nhiều lần nhưng vẫn chưa thực hiện được.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh khẳng định, dự án khơi thông sông Cổ Cò không chỉ là đột phá mới cho phát triển kinh tế - xã hội của 2 địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng, tạo giá trị gia tăng cho bất động sản mà có ý nghĩa lớn hơn đó là phục hồi lại giá trị lịch sử, văn hóa vốn có của dòng sông. Con sông nối TP trẻ, năng động là Đà Nẵng và đô thị cổ - Di sản văn hóa thế giới Hội An còn là một gạch nối giữa quá khứ với hiện tại, với tương lai, là công trình liên kết mang tính lịch sử giữa 2 địa phương, vượt qua tư duy nhiệm kỳ.
Ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh: "Giá trị đất đai, bất động sản là vô tận. Vấn đề là chúng ta quản lý, quy hoạch, sử dụng như thế nào để nâng giá trị gia tăng của đất. Nếu phân lô bán nền thì chỉ khai thác được 1 lần. Vấn đề là làm sao tạo ra được cảnh quan môi trường, không gian sinh thái, phát huy giá trị văn hóa và hình thành, duy trì được các hoạt động sản xuất kinh doanh cho cả cư dân mới mà quan trọng". Ông Thanh cho hay hiện Đà Nẵng và Quảng Nam đã thành lập hội đồng quản lý lưu vực để cùng nghiên cứu, triển khai dự án này.
Ông Nguyễn Sự, nguyên lãnh đạo TP.Hội An cho rằng, việc khơi thông sông Cổ Cò là quyết tâm chính trị, là khát vọng từ lâu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam. Tuy vậy, việc khơi thông dòng sông này là nhằm phát triển kinh tế xã hội của cả vùng rộng lớn, vì đời sống người dân chứ không nên nhìn ngắn hạn ở chỗ nâng cao giá trị bất động sản - vốn chỉ có lợi trước mắt và chỉ một nhóm các nhà đầu tư, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Với nguồn vốn 1.700 tỉ đồng là nhiều trong bối cảnh còn khó khăn, nhưng không quá cao mà phải huy động quá nhiều nhà đầu tư bất động sản để đánh đổi những cánh đồng hoa, rau, ruộng nương và cư dân sống gắn bó lâu đời ven dòng sông này. Vì vậy cần có nghiên cứu, quy hoạch vì sự phát triển bền vững.